Cương vực và hành chính Nhà_Kim

Từ khi Kim Thái Tổ lập quốc, Kim liên tiếp phát động chiến tranh xâm lược Liêu, Bắc Tống, Tây Hạ, Cao Ly. Sang thời Kim Thái Tông, triều Kim trước sau đánh diệt Liêu và Bắc Tống, cương vực lúc này đông đến vùng đất cư trú của các tộc Cát Lý Mê, Ngột Đích Cải ở hạ du sông Tùng Hoa, giáp biển Nhật Bản; bắc đến Hỏa Lỗ Hỏa Mưu Khắc (nay thuộc khu vực dãy núi Stanovoy của Nga, cách Bồ Dữ lộ (nay thuộc huyện Khắc Đông, Hắc Long Giang) hơn 3.000 lý về phía bắc; tây bắc đến khu vực Hà Sáo, sát với các bộ lạc Đại Mạc như Tháp Tháp Nhi bộ, Uông Cổ bộ; phía tây men theo giới hào phụ cận Tần châu, sát với Tây Hạ. Ở phía nam, lấy Tần Lĩnh-Hoài Hà làm ranh giới với Nam Tống, ở đoạn viễn tây lấy Đại tán quan làm ranh giới. Cương vực triều Kim có thể phân thành 3 bộ phận, khu vực thứ nhất là vùng Đông Bắc và Mạc Nam nguyên nằm dưới quyền thống trị của triều Liêu, đây là vùng đất hưng khởi của triều Kim, bao gồm vùng đất cư trú của các bộ lạc Nữ Chân, cũng như người Khiết Đan, Hề, Bột Hải và các tộc Cát Lý Mê, Ngột Lý Cải. Vào đầu những năm kiến quốc, triều Kim đối với khu vực này đều dùng cựu chế của Sinh Nữ Chân, như sau khi Kim Thái Tổ chiếm lĩnh được các châu huyện ở Đông Kinh của Liêu vào năm 1116, "chiếu trừ Liêu pháp, giảm bớt thuế, đặt Mãnh an-mưu khắc như chế độ bản triều", nghĩa là các tộc người Nữ Chân, Hán, Bột Hải, Khiết Đan hoặc Hề đều phải theo chế độ Mãnh an-mưu khắc. Khu vực thứ hai từ Thượng Kinh Lâm Hoàng phủ kéo dài xuống phía nam, đến Yên Vân thập lục châu ở Hà Bắc-Sơn Tây, cư dân ở đây chủ yếu là người Hán, song chịu sự thống trị của người Khiết Đan trong một thời gian dài, dưới thời Kim vẫn duy trì chế độ Hán quan. Sử sách ghi là "Thái Tổ nhập Yên, bắt đầu dùng chế độ Nam-Bắc diện quan của Liêu", tức đồng thời thi hành cựu chế của người Nữ Chân và Hán chế. Khu vực thứ ba là khu vực nguyên thuộc sự thống trị của Tống ở phía bắc Tần Lĩnh-Hoài Hà, cư dân chủ yếu là người Hán, do mới chịu sự thống trị của ngoại tộc nên phần lớn không muốn chịu sự quản chế của Kim. Triều đình Kim từng lần lượt đặt ra chính quyền bù nhìn Trương Sở và Lưu Tề để thống trị khu vực thứ ba này, cuối cùng triều đình Kim tiến hành quản lý trực tiếp theo chế độ Hán.[10]

Phạm vi cương vực của triều Kim

Triều Kim lựa chọn phân chia hành chính ba cấp là lộ, châu, huyện, tổng cộng có Ngũ Kinh thập cửu lộ:[5]

  • Thượng Kinh lộ, trị sở tại Hội Ninh phủ (nay thuộc A Thành, Hắc Long Giang)
  • Đông Kinh lộ, trị sở tại Liêu Dương phủ (nay thuộc Liêu Dương, Liêu Ninh)
  • Bắc Kinh lộ, trị sở tại Lâm Hoàng phủ (nay thuộc kỳ Ba Lâm Tả, Nội Mông)
  • Tây Kinh lộ, trị sở tại Đại Đồng phủ (nay thuộc Đại Đồng, Sơn Tây)
  • Trung Đô lộ, trị sở tại Đại Hưng phủ (nay thuộc Bắc Kinh)
  • Nam Kinh lộ, trị sở tại Khai Phong phủ (nay thuộc Khai Phong, Hà Nam)
  • Hà Bắc Đông lộ, trị sở tại Hà Gian phủ (nay thuộc Hà Gian, Hà Bắc)
  • Hà Bắc Tây lộ, trị sở tại Chân Định phủ (nay thuộc Chính Định, Hà Bắc)
  • Sơn Đông Đông lộ, trị sở tại Ích Đô phủ (nay thuộc Thanh Châu, Sơn Đông)
  • Sơn Đông Tây lộ, trị sở tại Đông Bình phủ (nay thuộc Đông Bình, Sơn Đông)
  • Đại Danh Phủ lộ, trị sở tại Đại Danh phủ (nay thuộc Đại Danh, Hà Bắc)
  • Hà Đông Bắc lộ, trị sở tại Thái Nguyên phủ (nay thuộc Thái Nguyên, Sơn Tây)
  • Hà Đông Nam lộ, trị sở tại Bình Dương phủ (nay thuộc Lâm Phần, Sơn Tây)
  • Kinh Triệu Phủ lộ, trị sở tại Kinh Triệu phủ (nay thuộc Tây An, Thiểm Tây)
  • Phượng Tường lộ, trị sở tại Phượng Tường phủ (nay thuộc Phượng Tường, Thiểm Tây)
  • Phu Diên lộ, trị sở tại Diên An phủ (nay thuộc Diên An, Thiểm Tây)
  • Khánh Nguyên lộ, trị sở tại Khánh Dương phủ (nay thuộc Khánh Dương, Cam Túc)
  • Lâm Thao lộ, trị sở tại Lâm Thao phủ (nay thuộc Lâm Thao, Cam Túc)
  • Hàm Bình lộ, trị sở tại Hàm Bình phủ (nay thuộc Khai Nguyên, Liêu Ninh)

Ở cấp lộ có đô tổng quản phủ, cùng với tam ty đô chuyển vận ty, án sát, diêm sứ; Ngũ Kinh phủ có chức lưu thủ. Châu thời Kim phân thành ba loại: tiết độ châu đặt chức tiết độ sứ, phòng ngự châu đặt chức phòng ngự sứ, thứ sử châu đặt chức thứ sử. Ở cấp huyện, huyện lệnh là người cai quản, phân thành bảy đẳng cấp. Ngoài ra, Kim còn có các chức quan bộ lac, Mãnh an gồm 1.000 phu, [[Mưu khắc gồm 100 phu, hợp xưng là [[Mãnh an Mưu khắc; "củ tường ổn" (乣詳穩) là chức quan phụ trách việc bảo vệ biên giới, "di lý cận" (移里菫) là chức dành cho thủ lĩnh thôn trại bộ lạc.[25]

Triều Kim thi hành Ngũ Kinh chế, tổng cộng có Trung Đô Đại Hưng phủ, Thượng Kinh Hội Ninh phủ, Nam Kinh Khai Phong phủ, Bắc Kinh Đại Định phủ, Đông Kinh Liêu Dương phủ, Tây Kinh Đại Đồng phủ; ba bồi đô sau nguyên là Trung Kinh Đại Định phủ, Đông Kinh Liêu Dương phủ, Tây Kinh Đại Đồng phủ của triều Liêu. Kinh đô của triều Kim nguyên nằm ở Thượng Kinh, tháng 4 năm 1151 thì Hoàng đế Hoàn Nhan Lượng ban bố chiếu thư mở rộng Yên Kinh làm Trung Đô, đến năm 1153 thì thiên đô tới Trung Đô, Trung Đô là thủ đô trong thời gian lâu nhất của Kim. Năm 1214, Kim Tuyên Tông trước áp lực của người Mông Cổ đã tuyên bố nam thiên Biện Kinh. Năm 1232, sau khi quân Mông Cổ bao vây Biện Kinh, Kim Ai Tông chạy đến Quy Đức (nay thuộc Thương Khâu, Hà Nam), rồi Thái châu (nay thuộc Nhữ Nam, Hà Nam).[5]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nhà_Kim http://jwsr.ucr.edu/archive/vol12/number2/pdf/jwsr... http://books.google.com.hk/books?id=t21yghJHIpEC&p... http://www.archive.org/stream/06059337.cn#page/n11... //dx.doi.org/10.1111%2F0020-8833.00053 //dx.doi.org/10.5195%2FJWSR.2006.369 http://www.escholarship.org/uc/item/3cn68807 //www.jstor.org/stable/2600793 //www.worldcat.org/issn/1076-156X https://web.archive.org/web/20070222011511/http://... https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Jin_Dy...